Lý Sơn thiên đường du lịch tự do.
Lý Sơn, huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi ngoài vị trí quân sự quan trọng còn là một nơi được mệnh danh như thiên đường bỏ ngỏ, một Maldives của Việt Nam với nước biển xanh trong tuyệt vời, dấu tích núi lửa hùng vĩ, bãi biển tự nhiên hấp dẫn và các món đặc sản tươi ngon, đặc biệt là tỏi.
Có một màu sắc luôn làm chúng tôi choáng ngợp khi ở Lý Sơn: màu xanh. Chắc bạn sẽ phì cười: “Màu xanh thì biển nào chẳng thế!”. Tuy nhiên, hãy thử đến Lý Sơn, bạn sẽ hiểu ngay thôi.
Chuyến xe Hải Vân từ Hà Nội thả chúng tôi ngay đầu cầu Trà Khúc để đi taxi thêm 10km vào cảng Sa Kỳ. Sau một đêm nghỉ ngơi chúng tôi lên tàu cao tốc lúc 7h sáng và chưa đầy 2 giờ sau đã cập bến Lý Sơn.
Khách sạn Lý Sơn trên đảo lớn, một trong những công trình 2 tầng ít ỏi của đảo là lựa chọn của chúng tôi. Lý Sơn chưa có những resort sang trọng, nhưng chính sự đơn sơ lại là điều thú vị của nơi này.
Hòn đảo Lý Sơn Bé chỉ có 10km2 được bao quanh bởi biển biếc lấp loáng dưới ánh nắng đầu mùa hạ thu hút chúng tôi ngay từ bước chân đầu tiên lên cầu cảng. Bằng xe máy thuê tại khách sạn, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Thới Lới, ngọn núi lớn nhất trong dấu tích các đỉnh núi lửa còn sót lại ở đây. Con đường ven biển nhấc bổng chúng tôi lên cao trong chốc lát và màu xanh vô tận đã chắp cánh cho sự ngạc nhiên đến choáng ngợp của chúng tôi.
Vách đá cao vút sừng sững cả trăm mét là dấu tích rõ nhất về loại kiến tạo địa chất núi lửa hiếm hoi ở Việt Nam. Những khối đá trụ vuông vức xếp chồng lên nhau đan xen với lớp đá xốp như bọt biển làm hình dung về sự biến đổi địa chất mạnh mẽ gần gũi hơn. Dấu tích dòng dung nham nóng đỏ tràn xuống lòng biển tạo nên những vệt loang làm cho màu xanh của biển khi trong vắt như hổ phách, khi lại thăm thẳm lục bảo hoặc xa xăm cẩm thạch hút mắt.
Chúng tôi sà xuống bên vách đá, háo hức chỉ muốn đắm mình vào trong thứ màu xanh bất tận mời gọi kia. Thế rồi, nắng chiều chênh chếch sau vách lại làm biển trở nên xanh tím kì lạ. Ngoảnh lại phía sau, lớp cỏ êm mịn trong lòng chảo đỉnh núi với hồ nước ngọt, nơi lưu giữ những cơn mưa của mùa kéo mọi giác quan thư giãn trong gió lộng.
Chúng tôi ngồi hàng giờ chỉ để ngắm hoàng hôn, chỉ để tận hưởng sự yên bình của những cánh cò trắng chấp chới cùng đàn trâu đang thong thả gặm cỏ. Đỉnh Thới Lới là điểm có góc nhìn đẹp nhất xuống những ô vuông ruộng tỏi như bàn cờ lan tràn đến tận mép nước. Những ô ruộng tỏi xanh mướt tràn trề sức sống với hàng dừa cao vút cạnh biển là bức tranh làm dịu đi mọi mệt mỏi của cuộc sống. Chỉ vì sự lưu luyến không muốn về này mà chúng tôi đã có một lịch trình hối hả cho cụm thắng tích chùa Đục và núi Giếng Tiền.
Không có đường như Thới Lới, núi Giếng Tiền phải đi lên bằng hơn 100 bậc thang nhỏ, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm quan và lễ chùa với những bàn thờ được đặt khéo léo trong các hốc đá lớn nhỏ tự nhiên. Ngay từ xa đã có thể nhìn thấy bức tượng Phật Quan Âm cao 27m uy nghi đứng dựa lưng vào vách đá được tạc dựng với mong ước ngài sẽ che chở cho dân đảo khỏi những cơn thịnh nộ của biển và thiên nhiên.
Vào mùa rong, bãi biển phía trước chùa Đục phủ đầy màu xanh tươi mát của những cánh rong biển mềm mại. Đối lập với đường lên dốc hẹp, lòng chảo ở miệng núi Giếng Tiền rộng và thoải, khô ráo với những cây thân gỗ lá kim xanh thẫm cơ bản của vùng địa chất nham thạch. Chúng tôi bị lạc vào một khung cảnh châu Âu lạ kì, chợt quên mất mình đang bồng bềnh trên một hòn đảo giữa biển.
Sau khi vãn cảnh, chúng tôi quyết định tìm ra bờ biển để tận hưởng làn nước mát. Một nơi tuyệt vời không thể bỏ qua khi ở đây chính là bãi tắm thiên đường ở đảo Lý Sơn nhỏ. Muốn tới đây, bạn phải đi tàu của ngư dân vào lúc 7h sáng và về vào lúc 2h chiều. Đảo sở hữu một bãi tắm với cát trắng muốt mịn màng, những vách đá tổ ong đen nhánh bao quanh.
Có vài khối đá với những khối hình lục giác vươn ra nghịch ngợm trong nước hay lan sát bờ biển tạo thành những bể nằm tự nhiên.
Ở những khối đá ngầm bằng phẳng phía ngoài xa một chút là từng đàn cá muôn màu sắc bé tí đuổi nhau trong từng lớp rong biển. Bãi tắm còn hoang sơ tuyệt đối và không có gì ngoài lớp lớp cát trắng xen lẫn với vỏ ốc xanh, cam bé xíu tròn xoe đủ màu.
Và tất nhiên, khi đã đến Lý Sơn, bạn phải tìm đến tỏi. Ai đến cũng cố chọn mua cho mình một cân tỏi mồ côi (tỏi đơn côi), loại tỏi một tép duy nhất tập trung mọi tinh chất tinh túy. Món cua Huỳnh Đế lạ mắt chắc nịch và thơm ngon là lựa chọn không thể thiếu trong các món hải sản cần phải ăn khi đến đây. Ngoài ra còn có ốc nhảy, ốc xà cừ, gỏi tỏi, nộm rong biển, bánh xèo tôm mực, các món tôm và mực… Bạn sẽ ăn mãi không chán.
Chúng tôi đã ở trên đảo trọn vẹn 3 ngày nhưng như thể chỉ trong tích tắc. Có lẽ chúng tôi vừa lạc vào một quỹ đạo khác, chỉ có trời xanh, gió biển lồng lộng và hương rong biển nồng nàn. Tôi biết rằng, rồi mình sẽ trở lại.
Thông tin du lịch:
– Đi tới cảnh Sa Kỳ có 2 cách:
Hàng không: có rất nhiều vé giá rẻ của VNA đến sân bay Chu Lai, sau đó từ Chu Lai bắt taxi ra cảng Sa Kỳ.
Đường bộ: Xe hơi chạy tới Quảng Ngãi. Báo xe dừng ở chân cầu Trà Khúc trước khi vào thành phố sau đó bắt taxi vào cảng.
– Đi từ cảng ra đảo
Tàu cao tốc: chạy lúc 7h45 sáng và phải dậy sớm mua vé vì tàu đầy là chạy. Giá vé 131.000 VNĐ. Thời gian chạy khoảng gần 60p.
Tàu siêu tốc : 30p’
– Ăn gì?
Ăn tại khách sạn nếu có hoặc tại:
Quán Viễn Đông
Quán Sơn Thủy (gần chùa Hang)
Ăn sáng tại các quán bán ngay cạnh hông khách sạn hoặc ra sau chợ để ăn các món dân dã của người dân ở đó như: bánh xèo, bún cá, bánh cuốn…
– Uống gì?
Nước sương – một loại nước đường với thạch làm từ rong biển, chè thập cẩm phía khu mộ gió.
– Ăn trên đảo nhỏ?
Các đảo nhỏ không có nhà nghỉ hay quán ăn nên bạn cần chủ động mua đồ ở chợ hoặc đón ở cảng mua đồ tươi mới được đánh bắt rồi vào nhà dân nhờ làm hộ, hẹn giờ đi tắm về ăn. Chi phí nấu nướng tùy theo thỏa thuận. Bạn cũng có thể mua hải sản tươi ngoài chợ về nhờ khách sạn làm.
– Đồ dùng?
Nếu bạn biết lặn, hãy chuẩn bị một bộ đồ lặn, vì biển ở đây có độ sâu lý tưởng.
Mọi Chi tiết xin liên hệ : 0976.575.442 Mr.Nguyên