RA ĐẢO LÝ SƠN ĐÓN TẾT

Người ta nói Tết Nguyên đán ở Lý Sơn đến sớm và kéo dài hơn đất liền, điều này thật không sai. Trước Tết cả tháng, người dân ở đảo Lý Sơn đã bắt đầu chuẩn bị.

Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu cách đất liền gần 20 hải lý, trong lòng còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa biển đảo, một vùng đất “linh thiêng hào hoa”, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc bởi thiên nhiên, đất trời và biển cả. Bình thường nếu “trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió” từ Sa Kỳ đi Lý Sơn bằng tàu cao tốc, hiện chỉ mất trên dưới một giờ.
Nhưng những năm 1960 về trước, người đi Lý Sơn bằng những chiếc thuyền chèo gắn buồm, khởi hành từ Sa Kỳ lúc mờ sáng, xế chiều mới đến nơi. Những ngày mưa bão, gió mùa đông bắc kéo về, muốn ra Lý Sơn chỉ nhìn qua khói sóng xa mờ, mà lòng dạ phập phồng như có lửa. Chính vì vậy, mà người dân Lý Sơn chuẩn bị Tết sớm, phòng khi sóng gió trở trời ập về trên đảo.

Đua thuyền ở Lý Sơn. Ảnh: Ngô Công
Đua thuyền ở Lý Sơn.

Bây giờ nhớ lại, vào thời điểm những năm 1960 – 1965 của thế kỷ trước. Khi những cơn gió mùa đông bắc se se lạnh, kèm theo những cơn mưa cuối đông dai dẳng kéo về, ở gành đá Cồn trên (thuộc xã Lý Vĩnh) những chiếc thuyền nan đi đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa đã trở về co mình neo đậu san sát ở bến thuyền. Ruộng tỏi ngoài đồng người dân đã thu hoạch sớm chất thành đống ngoài sân, đi sâu vào từng ngõ xóm, đến đâu cũng dậy mùi thơm của hành, của tỏi, mùi của bánh ít lá gai ngào ngạt, tiếng lách tách của các lò rang nếp nổ, đâu đây mùi mắm nhỉ cá cơm, mắm trích, mắm mòi… mùi hương đặc trưng của đảo tỏa bay, hòa quyện vào không gian thơm lừng.

Con đường đất nhỏ hẹp hai bên bờ xếp đá đen dẫn ra ruộng tỏi, ruộng hành vuông vức đẹp đến nao lòng, những vạt cây ré bên đường đã trổ bông trắng xóa, những rẫy chuối trên núi Thới Lới, Hòn Tai, Hòn Tiền ngả màu vàng nhạt… tất cả như báo hiệu: Tết Nguyên đán ở Lý Sơn đang về.

Chưa có một vùng đất nào mà từ người dân đến chính quyền chú tâm đến việc giữ gìn các phong tục tập quán, lễ thức, cúng tế, hội hè nơi đình làng, lăng xóm, tộc họ và trong mỗi gia đình… như ở Lý Sơn. Chính vì thế mà các giá trị văn hóa, lễ hội trước, trong và sau Tết ở đây được cộng đồng bảo tồn và phát huy khá tốt. Do ở xa đất liền, lại phụ thuộc vào thiên nhiên, đất trời… mà người dân Lý Sơn chuẩn bị lương thực, thực phẩm, bánh mứt, đường kẹo… phục vụ Tết khá sớm. Tranh thủ trời êm, đầu tháng Chạp hàng hóa được chuyển ra đảo, ngày ấy mỗi gia đình phải mua cho được vài chục ký nếp, rồi đường cát, đường đen… để làm bánh in, bánh nổ, heo thì vài ba nhà “đậu tay” mổ chung một con.

Thực đơn Tết ngày ấy của người Lý Sơn cũng không cầu kỳ, chỉ có thịt heo luộc, heo thưng, đu đủ trộn, chả, ram… Riêng món bánh ít lá gai “đặc sản” của đảo thì nhà nào cũng làm, có người gói “vài thiên” để ăn trong những ngày Tết, còn dành cúng rằm tháng Giêng. Ngoài ra, còn có các món tỏi non làm gỏi, hành muối chua, các món ăn từ ốc, cá, mực… cũng được người dân chuẩn bị khá chu đáo.

Công việc được cho là quan trọng, chiếm nhiều thời gian, công sức nhất đó là chuẩn bị và tổ chức các lễ hội. Ở Lý Sơn mùa xuân là mùa của lễ hội. Có hội làng, hội xóm, hội lân, lễ hội ở Vạn Chài. Ngoài lễ hội mang tính cộng đồng làng xã, còn có lễ hội mang tính chất phạm vi tộc họ, tiền hiền, hậu hiền. Phong tục cúng bái ông bà trong ba ngày Tết ở mỗi gia đình được xem là nghi lễ không thể bỏ qua. Khi công việc ngoài đồng, trên biển đã tạm ổn, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, gia đình nào trên đảo cũng cúng đưa ông Công, ông Táo về trời, dựng cây nêu Tết đến hết rằm tháng Giêng mới hạ. Trong sân đình, ngoài ngõ xóm đến các lăng tẩm, đền, điện… cờ hội bay phất phới, rạo rực trước gió xuân, đâu đây lời ca rộn ràng thăng hoa chúc tụng, xen lẫn điệu hò, điệu hát làm xao xuyến, ngất ngây người đi trẩy hội. “Mùng bốn có hội đua ghe, đến khi mùng bảy chia phe dồi bòng”.

Trong vô số lễ hội diễn ra ở Lý Sơn với nhiều hình thức tế tự, bắt đầu từ tháng Chạp đến hết mùa xuân, trong đó có lễ hội đua thuyền diễn ra từ mùng 4 đến mùng 7 Tết, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào ngày 16.3 âm lịch hằng năm, được xem là hai lễ hội khá quy mô, thu hút nhiều người tham dự.

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn mang tính đặc thù và quy mô hơn tất cả hội đua thuyền nào tổ chức ở Quảng Ngãi, không chỉ về số lượng người xem, thời gian tổ chức đến 4 ngày, tính tự giác, tự nguyện khá cao. Tôi đã từng tham dự lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn nhiều năm, điều mà ai cũng thấy: Dù thiên tai, mất mùa… dù đời sống của nhân dân khó khăn đến mấy, nhưng đến Tết nhất thiết phải có đua thuyền.

Ngoài lễ hội đua thuyền thu hút nhiều người tham dự, thì hội dồi bòng cũng là một trò chơi lôi cuốn nhiều thanh niên trai tráng trong làng tham gia. Đặc biệt là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, được tổ chức vào mùa xuân hằng năm. Đây là một nghi lễ mang tính chất tâm linh, tế sống những người trước khi đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ và tưởng nhớ những người con của đảo đi Hoàng Sa mà không bao giờ có cơ may trở về quê hương. Thường trong ngày lễ linh thiêng này, ngoài những nghi thức tề tự ở tộc họ, ở làng người dân còn được xem lễ hội đua thuyền, hát bội, lễ rước, múa lân, đặc biệt là xem nghi lễ thả thuyền xuống biển.

Sau mấy ngày trên đảo, tôi rời Lý Sơn trở về đất liền, nhìn những con sóng reo vui xô bờ như tạm biệt đoàn người sắp xa đảo. Phía đông mặt trời đã bừng sáng một vùng chân mây ửng hồng, đoàn thuyền xa khơi đánh bắt đang lũ lượt về bến. Nhìn những “hùng binh” thời nay trên môi nở nụ cười rạng rỡ, trong tôi lại cháy lên một niềm hy vọng về một ngày không xa, Lý Sơn hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn, một địa chỉ du lịch biển đảo đầy tiềm năng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0976.575.442
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon